Tin tức
Đà Nẵng tìm hướng đột phá cho sản phẩm du lịch

Sáng 8-7, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng lần thứ 14, khoá VIII (2011-2016), lần đầu tiên các đại biểu hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cùng bàn thảo sâu chuyên đề "Sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ - yếu tố hàng đầu thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng", nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vượt qua nhiều thách thức, ngành du lịch Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, từ năm 2011, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng là 2.375.023 lượt, đến năm 2015 đã đạt 3.818.683 lượt, tăng 1,6 lần. Doanh thu xã hội từ du lịch năm 2011 đạt 2.405 tỷ đồng, năm 2015 đạt 9.480 tỷ đồng, tăng 4,1 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2015 về khách du lịch là 20,14%, tổng thu du lịch là 30,65%.

Sản phẩm du lịch đã được chú trọng đầu tư và bước đầu tạo được nhiều điểm đến riêng thu hút khách du lịch của Đà Nẵng như: du lịch nghỉ dưỡng biển, với 478 cơ sở lưu trú, gồm 17.671 phòng, 62 khách sạn từ 3-5 sao, các dịch vụ giải trí biển với chín bãi tắm nước ngọt công cộng phục vụ người dân, du khách; du lịch sinh thái với chín điểm du lịch nổi tiếng như: Bà Nà-Suối Mơ, bán đảo Sơn Trà...

Tuy đã được đầu tư và nhiều sản phẩm du lịch có tính đặc trưng nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn du khách quay trở lại.

Nhiều đại biểu hội đồng nhân dân thành phố trăn trở về các giải pháp làm sao đưa ngành du lịch đúng vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đại biểu Lê Thị Nam Phương cho rằng, đối với vị trí thuận lợi như Đà Nẵng, cần thay đổi mục tiêu để có quy hoạch lâu dài cho ngành du lịch, mà đầu tiên và cần nhất vẫn là yếu tố con người. Đà Nẵng hiện đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng cho những đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch. Đã có sản phẩm du lịch, nhưng sản phẩm đó có "hút" khách trở lại hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ làm du lịch, sự quảng bá, liên kết. Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chất lượng dịch vụ đánh giá thấp, chất lượng con người trong lĩnh vực du lịch thấp, nguồn nhân lực cạn, khó quản lý, đang thiếu lắm về du lịch làng nghề.

Muốn vậy, Đà Nẵng cần người có chuyên môn để xây dựng quy hoạch tổng thể cho toàn ngành du lịch, ngay các khách sạn đang "thừa" cũng là vấn đề cần mổ xẻ, tìm nguyên nhân để quản lý tốt hơn.

Đại biểu Trần Đình Hồng cho rằng, Đà Nẵng đang có nền tảng ban đầu để phát triển du lịch, nhưng chưa tạo được sự khác biệt về chất lượng dịch vụ. Tại sao Đà Nẵng nằm trong chuỗi các điểm đến di sản với Huế - Hội An - Mỹ Sơn mà khách không ở lại Đà Nẵng? Phải chăng sự liên kết mới chỉ là bề nổi của vấn đề mà chưa thật sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương để cùng thúc đẩy ngành du lịch liên vùng phát triển. Đà Nẵng phải tạo sự khác biệt để thu hút khách, đề nghị nên xây dựng quy chuẩn về chất lượng dịch vụ kết hợp quảng bá, cùng cộng đồng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Muốn phát triển du lịch tốt phải có đội ngũ con người tinh, chuyên nghiệp.
ANH ĐÀO
Tin liên quan